Em là Lan, em bị liệt dây thần kinh số 7 bên trái, điều này khiến e bị méo một bên mặt( trái) cười nói bị hạn chế,cuộc sống của e trở nên nặng nề hơn vì e không đủ tự tin nói chuyện trước mọi người, bởi khuôn mặt méo mó của mình, e đã phát hiện bệnh khá muộn ( khoảng 1 năm) và đi điều trị phục hồi chức năng được 2 tháng nhưng vẫn k khỏi. Liệu e có còn điều trị khỏi hẳn đc nữa không? Và điều trị như thế nào ạ? E mong nhận được sự giúp đỡ . Cảm ơn!
Trả lời:

Chào bạn.

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên với biểu hiện mất hoặc giảm vận động những cơ ở mặt, kèm theo các rối loạn: cảm giác, phản xạ, vận mạch và bài tiết tuyến lệ, tuyến nước bọt.

Triệu chứng:
- Bệnh thường xảy ra đột ngột, do tối nằm ngủ bị lạnh, người bệnh cười nói khó, đánh răng súc miệng nước trào ra một bên mép. Rõ nét nhất là mặt mất cân đối, bên liệt trông như mặt mạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung bị kéo về bên lành. Sự mất đối xứng càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như nhe răng thì mồm bị méo lệch sang bên lành.
- Đặc biệt mắt bên liệt không nhắm kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng. Ngoài ra còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc sau bữa ăn.
- 70 - 80% số trường hợp mắc bệnh thường tự khỏi sau khoảng 1-3 tháng. Nhưng một số ca tiến triển xấu do chẩn đoán và điều trị sai, gây biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc (do mắt nhắm không kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm trùng), co giật cơ mặt(do hồi phục thần kinh không hoàn toàn) hoặc co cứng nửa mặt do dây thần kinh thoái hoá.

Điều trị:
1. Điều trị nội khoa:
- Trong 7 - 10 ngày đầu nên dùng thuốc chống viêm corticoid prednisolon, kháng sinh, tiêm bắp Vitamin nhóm B (B1, B6, B12). Đồng thời cần phối hợp tập vận động xoa bóp cơ mặt hàng ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4 - 5 phút. Xoa từ cằm lên trán nhằm tăng cường tuần hoàn chống sự co cứng cơ mặt.
- Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm có lót gạc sạch bên trong và rửa mặt hàng ngày bằng dung dịch nước muối NaCl 9%o hoặc cloramphenicol 0,4%.
- Điều trị nội khoa có kết quả cần giảm liều. Người bệnh có thể nhìn qua gương tự luyện tập phục hồi chức năng ở mặt.
2. Điều trị châm cứu:
- Châm cứu thường hoặc điện châm
- Điện xung
- Chạy đèn hồng ngoại
- Mát-xa mặt hàng ngày, như phần trên đã trình bày.

Bệnh này thuộc chuyên khoa thần kinh điều trị hoặc chuyên khoa đông y điều trị bằng phương pháp châm cứu. Để bệnh nhanh khỏi có thể kết hợp điều trị đông tây y. Tức là vừa điều trị nội khoa và châm cứu thì bênh sẽ nhanh hồi phục hơn. Nhưng tiêm hoặc thuỷ châm là sẽ gây đau. Bạn có thể qua bệnh viện Bạch Mai hoặc bệnh viện 108 khoa thần kinh để được hướng dẫn điều trị.

Chúc bạn nhanh khỏi bệnh.